Trà Shan Tuyết Là Gì - Giá bao nhiêu
Trà shan tuyết là gì?
Trà shan tuyết là đặc sản nổi tiếng của vùng núi cao Tây Bắc Việt Nam. Cái tên shan tuyết ( nghĩa là “ tuyết trên núi”) bắt nguồn từ sắc trắng tinh khôi như tuyết của lớp lông mao dày trên búp non.
Nước ta chỉ mới phát hiện được một số vùng cao tại Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La… và một số mơi khác phân bố rải rác loại trà này. Đây là loại trà mọc hoang, chỉ sống trên núi cao thuộc phạm vi ảnh hưởng của các dãy Hoàng Liên Sơn hay Tây Côn Lĩnh. Cả nước hiện nay chỉ còn khoảng hơn 80 ngàn cây trà. Số lượng trà cổ thụ ngày càng ít đi do già cỗi và sự khai thác quá mức của con người.
Shan tuyết nức danh là cực phẩm trong các dòng trà, không chỉ vì số lượng hiếm mà còn bởi hương vị đặc biệt và hoàn toàn tinh khiết.
Phân loại trà shan tuyết
Như đã nói rất nhiều trong các bài trước, shan là một giống trà, và cũng có rất nhiều loại shan nhưng chỉ có những cây trà shan cổ thụ mọc hoang dã trên núi cao mới cho ra những sản phẩm đặc biệt nhất làm nên thương hiệu của “trà shan tuyết”. Còn những loại trà shan khác tuy rằng vẫn mang những dấu tích của tổ tiên chúng là lớp lông mao trắng trên búp non xong đa số lớp lông này đều biến mất trong quá trình chế biến trà hoặc cho dù lớp lông trắng ấy còn tồn tại nhưng về hương vị vẫn không cho ra được đúng gu chuẩn của shan tuyết cổ thụ. Các bạn có thể quan sát hình dạng 1 loại trà shan Bảo Lộc. Các búp trà của nó cũng dày, lớn và nhiều lông mao trắng. Tuy nhiên, rất tiếc loại trà shan này có vị rất nhạt, hương yếu, không có dư vị để lại sau khi uống!
Trà shan tuyết Bảo Lộc
Vì thế, khi phân loại shan tuyết, chúng tôi tạm quy định shan tuyết cứ phải là giống shan cổ thụ hoang dã.
Nói về vùng chè cổ shan tuyết, hiện nay ở nước ta có khá nhiều vùng và tất cả đều ở Tây Bắc. Một số tỉnh có trà shan tuyết có thể kể tới Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình… (hầu khắp các tỉnh Tây Bắc luôn!) Tuy nhiên để đi vào khai thác hiệu quả thì chỉ có 1 số địa phương như Suối Giàng (Yên Bái), Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) và Tà Xùa (Sơn La) và những nơi đây những nghệ nhân trà cũng khéo léo trong việc tuyển chọn và chế biến trà nhất.
Tuy nhiên, điểm danh 1 số danh trà shan tuyết chúng tôi xin để bài sau. Còn bài này chúng tôi chỉ xin phân cấp trà tuyết dựa theo cách thu hái và chế biến.
Shan tuyết loại 1: Tiêu chuẩn 1 tôm
Shan tuyết loại 2: Tiêu chuẩn 1 tôm 1 lá
Shan tuyết loại 3: Tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá
Shan tuyết loại 4
Thực ra, liệt kê vào đây kể cũng khó vì shan tuyết loại bốn … không hề có tuyết. Nó chỉ đơn giản là sử dụng lá 2, lá 3 của cây trà tuyết cổ thụ vì vậy liệt kê vào đây cũng được mà loại nó ra cũng chẳng sao. Tất nhiên, tuy nhìn qua có thể các bạn thấy giống phong cách trà Thái Nguyên nhờ “mang hơi” của shan tuyết mà vị trà này cũng khá đặc biệt: vị chát nhẹ, không đắng, hương thơm mát chứ không thơm cốm mới giống Thái Nguyên. ( Uống trà tuyết, mọi người nên chú ý hương của nó).
Chúc mọi người thưởng trà vui!